Bạch hạc


Tên Việt Nam:  Bạch hạc, kiến cò, cây lác, uy  linh tiên, chóm phòn (Nùng)

Tên khoa học: Rhinacanthus nasutus (L.) Kurz

Họ: Ô rô (Acanthaceae)

Công dụng:

Chữa Eczema, hắc lào, herpes, chốc lở, ngứa:

Lá và cành non tươi giã nát. Thêm cồn 70 độ ngâm, lấy nước bôi.

Rễ tươi hoặc khô, giã nát, ngâm rượu hoặc giấm 7 – 10 ngày, lấy nước bôi.

Chữa viêm phế quản, ho: thân và lá 20g sắc, thêm đường uống.


Thông tin chuyên sâu (Dành cho các bạn muốn tìm hiểu kỹ)


Mô tả:

Cây nhỏ, mọc thành bụi, cao 1 – 2 m, có rễ chùm, mảnh. Thân lúc non có lông mịn, sau nhẵn. 

Lá mọc đối, hình bầu dục thuôn hay hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn, cuống rất ngắn.

Cụm hoa mọc thành xim hoặc chuỳ ở kẽ lá; lá bắc hình chỉ, có lông; hoa màu trắng, nom như con hạc đang bay; đài hình chuông gồm 5 phiến đều nhau, có lông nhỏ; tràng có ống hẹp dài, xẻ hai môi khác nhau rõ rệt, môi trên hình mác, môi dưới khía 3 thuỳ; nhị 2, bao phần tù, không có nhị lép.

Quả nang, dài, có lông, hình đinh, không chứa hạt.

Mùa hoa quả: tháng 1 – 5.

Phân bố:

Bạch hạc có nguồn gốc ở vùng Nam Á (Ấn Độ, Srilanca) hoặc Đông Dương, được nhập trồng sang nhiều nơi khác và sau trở nên hoang dại hoá ở Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, đảo Java, một số nước nhiệt đới Châu Phi và đảo Madagasca.

Ở Việt Nam, hiện chỉ thấy bạch hạc trong trạng thái trồng trọt, ít thấy mọc hoang. Cây thường được trồng ở vườn, sau hạt giống vương vãi ra, có thể tận dụng làm bờ rào.

Sinh thái:

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, thường rụng lá về mùa đông, hoặc có thể bị tàn lụi, nếu gặp sương muối. Bạch hạc có khả năng tái sinh dinh dưỡng khoẻ, nên thường được trồng bằng cành.

Là một cây trồng, nhưng ít phổ biến nên cũng phải chú ý bảo vệ, với mục đích bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam.

Cách trồng:

Bạch hạc không kén đất, không chịu úng, có khả năng chịu hạn, tính chống chịu cao.

Bạch hạc thường được trồng bằng mầm. Khi tách mầm từ gốc cây mẹ, không để đứt rễ và có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân. Việc giao trồng bạch hạc bằng hạt không phổ biến.

Bạch hạc còn có thể trồng trong chậu, vừa làm cảnh vừa thu hái dược liệu.

Bộ phận dùng:

Rễ thu hái quanh năm, tốt nhất vào thu đông, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
 
Rễ hình trụ, không phân nhánh, dài 13 – 20 cm, mặt ngoài màu nâu có nhiều rãnh dọc. Bỏ lớp vỏ rễ, sẽ lộ lõi gỗ trắng nhỏ. Dễ bẻ gãy, mặt bẻ phẳng.

Lá cũng được dùng làm thuốc.

Tính vị, công năng:

Vị ngọt dịu, mùi hắc nhẹ, tính bình, có tác dụng chống ho, sát trùng, chống ngứa, trừ phong thấp.

Tài liệu tham khảo:

Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Viện dược liệu

Cây cỏ Việt Nam – Phạm Hoàng Hộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét