Xuyến chi


Tên Việt Nam: Đơn kim, đơn buốt, xuyến chi, quỷ châm thảo
Tên khoa học: Bidens pilosa L.
Tên nước ngoài: Cobbler’s pegs, hairy beggar – ticks, spanish needle (Anh)
Họ: Cúc (Asteraceae) 

Công dụng:

Ngọn và lá non vò qua, luộc bỏ nước, rửa lại bằng nước lã, xào hoặc nấu canh.


Đơn kim thường được dùng chữa viêm họng, sưng họng phát sốt, viêm ruột, tiêu chảy, lỵ, viêm thận cấp, dị ứng, mày đay, bệnh ngoài da mẫn ngứa nóng đỏ, nhức răng, đau mắt, vết thương sưng đau, rắn cắn và sâu bọ độc cắn. Ngày dùng 16 – 20g cây khô, hoặc 60 – 80g cây tươi, sắc uống. 

Để chữa rắn cắn, mề đay nổi mẩn, bị thương, trĩ lở, dùng lá đơn kim giã nhỏ xát và đắp vào chỗ đau, kết hợp uống thuốc sắc.

Đơn kim cũng thường dùng ngoài nấu nước tắm (100 – 200g nấu với 4 – 5 lít nước) bã xát kỹ để trị mẩn ngứa. Thường chỉ dùng 1 – 2 lần thấy kết quả.

Lá tươi giã nát dùng đắp lên mi mắt khi bị đau mắt.

Hoa đơn kim ngâm rượu (1/5) ngậm trị đau răng.

Mùa hè dùng cây lá nấu thay chè uống phòng bệnh đường ruột.


Thông tin chuyên sâu (Dành cho các bạn muốn tìm hiểu kỹ)


Mô tả:

Cây thảo, sống hàng năm, cao 0,5 – 1 m. Thân cành cứng, nhẵn, có khía.


Lá mọc đối có 3 lá chét hình mác hoặc trái xoan, dài 2 – 4 cm, rộng 1 – 2 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép có răng cưa, hai mặt nhẵn.


Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành đầu đơn độc hoặc đôi một; đầu gần hình cầu, rộng 0,6 – 1,5 cm; lá bắc thuôn, dạng vảy, có lông, những hoa ở ngoài bất thụ, xếp thành một hành, hình lưỡi màu trắng; những hoa ở trong hữu thụ, hình ống màu vàng; cánh hoa bất thụ xẻ 3 thuỳ nhỏ ở đầu, nhị 4 – 5, thắt lại ở gốc và có tai ngắn; bầu của hoa bất thụ tiêu giảm, trái lại ở hoa hữu thụ, bầu to lên gấp 2 – 3 lần.


Quả bế, hình kim, có 3 cạnh không đều, khi chín màu đen.

Phân bố, sinh thái:

Chi Bidens phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, có ít loài ở vùng cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, có 4 -5 loài, đơn kim là cây thường gặp nhất, từ vùng đồng bằng đến trung du và miền núi. Độ cao phân bố rộng rãi khắp các nước vùng Nam Á; đảo Hải Nam và Nam Trung Quốc.

Đơn kim thuộc loại cây mọc nhanh, ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc thành quần thể dày đặc trên đất sau nương rẫy, bãi hoang và dọc theo đường đi... Cây con mọc từ hạt xuất hiện vào cuối mùa xuân (khoảng tháng 4); sinh trưởng nhanh trong mùa hè, sau ra hoa quả nhiều rồi tàn lụi vào giữa mùa thu. Ở vùng núi, do mọc muộn nên thời gian tàn lụi của cây kéo dài hơn so với ở đồng bằng.

Quả đơn kim có nhiều gai nhỏ dễ bám vào lông động vật và quần áo của người, để phát tán khắp nơi.
Đơn kim được coi là loài cỏ dại, thường lấn át các cây trồng. Muốn diệt trừ, cần loại bỏ khi cây còn nhỏ.

Bộ phận dùng:

Phần trên mặt đất và lá. Dùng tươi hay phơi khô.

Tính vị, công năng:

Đơn kim có vị đắng, nhạt, hơi the, tính mát, vào 2 kinh: can, thận, có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, tiêu độc, sát trùng.

Tài liệu tham khảo:

Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Viện dược liệu

Từ điển thực vật thông dụng – Võ Văn Chi

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét