Tên Việt Nam: Xoài, măng quả, mác moang (Tày)
Tên khoa học: Mangifera indica L.
Tên nước ngoài: Mango tree (Anh), manguier (Pháp)
Họ: Đào lộn hột ( Anacardiaceae)
Công dụng:
Thông thường người ta trồng xoài để lấy quả ăn, đóng hộp xuất khẩu.
Quả xoài ngon, bổ dưỡng, có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, ra mồ hôi, giải nhiệt, trị bệnh hoại huyết và loạn óc, tiêu hoá kém.
Vỏ quả xoài chín dùng để cầm máu, chống xuất huyết, rong kinh, bạch đới. Ngày 20 – 40g, sắc uống.
Hạch quả được dùng trị giun, kiết lỵ, trĩ, xuất huyết. Ngày 5 – 10g, sắc uống.
Lá xoài được dùng trị các bệnh đường hô hấp trên như ho, viêm phế quản, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm ngứa ngoài da. Dùng trong, ngày 20 – 30g sắc uống.
Vỏ thân sắc đặc, ngậm hoặc rửa được dùng chữa sưng, viêm, lở loét miệng họng, đau răng, bệnh ngoài da hoặc lở ngứa âm đạo.
Nhựa từ vỏ cây cũng được dùng như vỏ thân. Còn dùng chữa kiết lỵ, ỉa chảy, bạch đới, kinh nguyệt quá nhiều. Vỏ rễ sắc uống để lợi tiểu.
Bài thuốc có xoài:
1. Chữa đau răng:
_ Lấy một miếng vỏ thân tươi khoảng 30 – 40g, cạo bỏ vỏ ngoài, rồi thái mỏng, giã nát, ép lấy nước, thêm ít muối, rồi ngậm trong 10 phút, nhổ nước. Ngày 4 – 5 lần.
_ Nếu dùng khô, lấy 20g, sắc với 400 ml, giữ sôi trong nửa giờ, cô còn 100 ml. Thêm ít muối, ngậm mỗi lần 20 ml trong 10 phút, rồi nhổ đi. Ngày 3 – 4 lần, dùng nhiều ngày.
2. Chữa kiết lỵ, tiêu chảy:
_ Lá tươi, phơi trong râm đến khô, nghiền thành bột mịn. Uống mỗi lần 1- 2g, ngày 2 – 3 lần.
_ Nhân hạt xoài 5 – 10g, giã nát, ép lấy nước, thêm ít muối vào uống. Ngày 2 – 3 lần, dùng 3 ngày.
3. Trị lở ngứa ngoài da, âm đạo:
Vỏ thân sắc đặc, ngâm rửa. Có thể dùng nhựa xoài hoà với nước chanh rồi bôi.
Thông tin chuyên sâu (dành cho các bạn muốn tìm hiểu thêm)
Mô tả:
Cây to, cao 8 – 10 m, có thể đến 20m. Thân cành nhẵn, vỏ của cây già màu xám nâu, chứa một chất nhựa trong.
Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc mũi mác thuôn, dài 15 – 30cm, rộng 5 – 7 cm, gốc tròn, đầu có mũi nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, gân lá kết thành mạng rõ, lá non màu hồng; cuống lá dài.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm kép; hoa màu vàng nhạt; đài 5 răng có lông ở mặt ngoài; tràng 5 cánh loăn xoăn; nhị 5, chỉ có 1 – 2 cái sinh sản; bầu thượng, hình trứng nhẵn, chỉ có 1 noãn.
Quả hạch to hình thận, hơi dẹt, đầu thuôn tù, khi chín màu vàng, chứa thịt mọng nước, hạt dẹt, rắn.
Phân bố:
Xoài được trồng phổ biến ở các tỉnh phía nam từ Khánh Hoà trở vào, song nhiều nhất ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Vài năm gần đây, cây cũng được phát triển trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, nhưng là giống xoài mới đã được lai ghép với giống xoài gốc ở các tỉnh miền Nam.
Sinh thái:
Xoài là loại cây gỗ lớn, ưa sáng, ưa khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển từ 24 đến 27 độ. Về mùa khô, nhiệt độ tăng lên đến 36 – 38 độ cây vẫn chịu đựng được. Lượng mưa hàng năm ở các vùng có nhiều xoài từ 1500 đến 2500 mm. Xoài cũng có thể sinh trưởng phát triển tốt cả ở những vùng cận nhiệt đới như Trung Quốc, Ấn Độ - nơi có nhiệt độ trung bình năm 20 – 22 độ.
Xoài có thể sống được trên nhiều loại đất, thoát nước nhanh và pH từ 5,5 – 7. Cây có bộ rễ cọc phát triển, ăn sâu tới 2,5 m. vì thế cây chống chịu đượng giông bão.
Xoài ra hoa quả nhiều hàng năm; hoa thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng. Cây trồng ở các tỉnh phía Nam có mùa hoa quả trùng với mùa khô; vào lúc hoa nở rộ gặp mưa hay sương mù thường ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ lệ đậu quả và năng suất của cây. Nhiệt độ thích hợp cho quả chín từ 25 đến 30 độ.
Hạt xoài có tỷ lệ nảy mầm cao, tuy nhiên cây con mọc từ hạt thường sử dụng làm gốc ghép chồi lấy từ những cây xoài có chất lượng quả cao.
Cách trồng:
Xoài được trồng tập trung ở các tỉnh phía Nam. Hiện có khoảng 50 giống xoài đang được trồng và nghiên cứu.
Xoài có thể nhân giống bằng hạt, chiết, ghép và giâm cành. Do cây khó ra rễ, nên chiết và giâm cành ít được dùng.
Đa số các giống xoài ở Việt Nam đều có hạt đa phôi, trong đó có 1 phôi hữu tính, còn lại là phôi vô tính (hình thành từ phôi tâm). Cây con mọc từ phôi vô tính giữ được phẩm chất của cây mẹ, vì vậy, nhân giống bằng hạt là phương pháp được áp dụng khá rộng rãi trong nhân dân. Hạt lấy từ quả chín cần gieo ngay, càng để lâu càng nhanh mất sức nảy mầm.
Ghép là phương pháp tiên tiến nhất đối với nhân giống xoài hiện nay. Gốc ghép nên dùng các cây cùng họ mọc hoang dại hoặc bán hoang dại (muỗm, xoài rừng, xoài hôi...). sinh trưởng khoẻ, đã thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu ở địa phương.
Xoài có thể trồng trên nhiều loại đất, chịu hạn tốt và cũng chịu được úng nhẹ. Nhưng để xoài ra hoa kết quả thuận lợi, cần chọn nơi có một mùa khô, ẩm.
Xoài bị rất nhiều sâu, bệnh gây hại. Cần chú ý phòng trừ kịp thời.
Quả xoài chín vào mùa hè. Cần xác định đúng độ chín và căn cứ vào yêu cầu sử dụng để thu hái. Nên chọn những ngày nắng ráo, hái quả vào lúc trời râm mát.
Bộ phận dùng:
Quả, hạt, lá và vỏ thân cây xoài. Quả thu hái vào mùa hè, các bộ phân khác thu hái quanh năm.
Tính vị, công năng:
Quả, vỏ, lá xoài có vị chua, ngọt, tính mát, còn hạch quả có vị chua, chát, tính bình. Thịt quả có tác dụng thanh nhiệt, tiêu trệ, ích vị, chỉ thổ, giải khát, kiện vị.
Lá có tác dụng chỉ dương, hành khí, sơ trệ, lợi tiểu. Vỏ thân có tác dụng thu liễm, sát trùng. Nhựa từ vỏ thân rỉ ra màu đen không mùi, vị chát đắng, hơi cay, cũng có tác dụng như vỏ.
Tài liệu tham khảo:
Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Viện dược liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét