Mã đề


Tên Việt Nam: Mã đề, Xa tiền, su ma (Tày), nhả én đứt (Thái), nằng chấy mía (Dao)

Tên khoa học: Plantago major L.

Họ: Mã đề (Plantaginaceae)

Công dụng:

Mã đề được dùng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu hoặc ra sỏi, phù thủng, đau mắt sưng đỏ, tiêu chảy, lỵ, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi. Mỗi ngày uống 10 – 20g toàn cây hay 6 – 12g hạt dưới dạng thuốc sắc. Khi dùng làm thuốc ho cho trẻ em, mã đề có nhược điểm là gây cho trẻ em đái dầm.

Dùng ngoài, lá mã đề tươi giã nát đắp làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Để chữa bỏng, lấy cao đặc mã đề đắp lên vết thương băng lại, mỗi ngày thay một lần.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai dùng nên thận trọng. Người già thận kém, đái đêm nhiều không nên dùng.



Thông tin chuyên sâu (dành cho các bạn muốn tìm hiểu thêm)



Mô tả:

Cây thảo, sống hàng năm, có thân ngắn. Lá mọc thành hoa thị, hình trứng, dài 5 – 12 cm, rộng 3,5 – 8 cm, đầu tù hơi có mũi nhọn, gân lá hình cung, mép uốn lượn, nguyên hoặc có răng cưa nhỏ, không đều; cuống lá dài 5 – 10 cm, loe ở gốc.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông có cán dài hơn lá; hoa nhỏ có lá bắc hình trứng, ngắn hơn đài; đài 4 thuỳ hơi có gờ, dính nhau ở gốc; tràng hoa mỏng, khô xác, có 4 thuỳ hình tam giác nhọn, xếp xen kẽ với các lá đài; nhị 4, chỉ nhị mảnh; bầu hình cầu, có 2 ô.

Quả nang, hình chóp thuôn, dài 3,5 – 4 mm, mở bằng một nắp nứt ngang trên các lá đài; hạt hơi dẹt, màu nâu hoặc đen bóng.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.

Phân bố:

Trên thế giới, mã đề phân bố ở tất cả các vùng nhiệt đới và á nhiệt nhiệt đới của các châu lục: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia, Ấn Độ và một số tỉnh phía nam Trung Quốc...  là những nơi có nhiều mã đề trong các quần thể mọc hoang cũng như trồng trọt. Cây mọc phổ biến nhiều nơi khắp nước ta.

Sinh thái:

Mã đề là cây ưa sáng, ưa ẩm và có khả năng chịu hạn nhẹ, thích nghi cao với vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Ở vùng núi cao lạnh (nhiệt độ trung bình 15 – 16 độ), cây sinh trưởng kém, lá nhỏ và tổng khối lượng chất xanh cũng ít.

Cây ra hoa quả nhiều, trên một cá thể có thể thu được 10.000 – 14.000 hạt. Trong tự nhiên khi cây tàn lụi, hạt giống rơi xuống đất và có thể tồn tại qua mùa đông, sau đó mới nảy mầm.

Cách trồng:

Vốn là cây mọc hoang, mã đề có sức sống rất cao, đang được trồng khá phổ biến ở nhiều nơi. Cây có nhu cầu nước ở mức trung bình, có khả năng chịu hạn nhẹ nhờ bộ rễ ăn tương đối sâu và rộng.
Mã đề được gieo trồng bằng bạt. Hạt mã đề nhỏ (1g có chừng 600 – 610 hạt).

Đất trồng mã đề tốt nhất là loại đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất trồng màu.

Bộ phận dùng:

Lá, thu hái vào lúc cây sắp ra hoa hoặc đang có hoa, rửa sạch, rồi phơi hay sấy khô.

Hạt thu từ quả già (Xa tiền tử) phơi hay sấy khô.

Tính vị, công năng:

Lá mã đề có vị nhạt, tính mát. Hạt có vị ngọt nhạt, nhớt, tính mát, vào 4 kinh; can, phế, thận, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi phế, tiêu thũng, thông tiểu tiện.

Tài liệu tham khảo:

Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Viện dược liệu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét