Sen


Tên Việt Nam: Sen, liên, ngậu (Tày), bó bua (Thái), lìn ngó (Dao)

Tên khoa học: Nelumbo nucifera Gaertn.

Tên đồng nghĩa: Nelumbium nelumbo (L.) Druce, Nelumbium speciosum Willd.

Tên nước ngoài: Sacred lotus, chinese water – lily, indian lotus, egyptian bean, baladi bean (Anh)

Họ: Sen (Nelumbonaceae)

Công dụng:

Toàn bộ cây sen được dùng làm thuốc:

1. Hạt sen (Quả bóc bỏ vỏ) dùng điều trị tỳ hư, lỵ, di mộng tinh, khí hư, hồi hộp mất ngủ, cơ thể suy nhược, kém ăn, ít ngủ. Ngày dùng 12 – 20g, có thể đến 100g, dưới dáng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ: Thực nhiệt, táo bón không nên dùng.

2. Lá sen chữa cháy máu (đại tiểu tiện ra máu. Chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da).  Ngày dùng 15 – 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

3. Tâm sen chữa tâm phiền (hâm hấp sốt khó chịu), ít ngủ, khát, thổ huyết. Ngày dùng 2 – 4g dạng thuốc sắc, hãm hoặc hoàn, tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

4. Tua sen chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh mất ngủ. Ngày dùng 5 – 10g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Cơ thể suy nhược, táo bón, bí tiểu tiện không nên dùng. Kỵ địa hoàng, hành, tỏi.

5. Gương sen là thuốc cầm máu, chữa đại tiểu tiện ra máu, bạch đới, huyết áp cao. Ngày dùng 15 – 30g (1 đến 2 cái) dạng thuốc sắc.

6. Ngó sen: Làm thức ăn, thuốc cầm máu chữa đại tiểu tiện ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết. Ngày dùng 6 – 12g dạng thuốc sắc.


Thông tin chuyên sâu (Dành cho các bạn muốn tìm hiểu kỹ)


Mô tả:

Cây thảo, sống ở nước, to khoẻ, cao hơn 1 m. Thân rễ (ngó sen) mập, mọc bò dài trong bùn, bén rễ ở những mấu, từ đó mọc lên thân và lá. 

Lá hình tròn, vượt lên khỏi mặt nước, đường kính 30 – 40 cm, màu lục xám, mép nguyên lượn sóng, giữa lá thường trũng xuống, mặt sau đôi khi điểm những đốm màu tía, gân hình khiên, hằn rõ; cuống lá đính vào giữa lá, dài 1 m hay hơn, có nhiều gai cứng nhọn.


Hoa to, mọc riêng lẻ trên cuống dài và thẳng, phủ đầy gai nhọn, đường kính 8 – 12 cm, màu hồng, hồng đỏ hoặc trắng; lá đài 3 – 5, màu lục nhạt, rụng sớm; cánh hoa nhiều, những cánh phía ngoài to, khum lòng máng, những cánh giữa và ở trong nhỏ hẹp dần, giữa cánh hoa và nhị có những dạng chuyển tiếp, nhị rất nhiều, màu vàng, chỉ nhị mảnh, có phần phụ (gạo sen) màu trắng và thơm; bộ nhuỵ gồm nhiều lá noãn rời nằm trên một đế hoa hình nón ngược (gương sen).

Quả bế có núm nhọn, thường gọi là hạt sen, phần ngoài mỏng và cứng có màu lục tía, phần giữa mềm chứa tinh bột màu trắng ngà và phần trong là lá mầm dày, màu lục sẫm.

Phân bố:

Sen mọc hoang dại chủ yếu ở vùng Đồng Tháp Mười, thuộc tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Theo nhân dân địa phương cây mọc trong trạng thái tự nhiên đã có từ lâu đời. Hàng trăm hecta sen mọc tập trung và gần như thuần loại ở đây đã góp phần tạo nên cảnh quan sinh thái đặc biệt của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười. Bên cạnh quần thể hoang dại, sen cũng là cây trồng quen thuộc ở các tỉnh đồng bằng và trung du, suốt từ Nam đến Bắc.

Cây được trồng ở các vùng ao hồ nước nông và trung bình. Do ưa khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới, nên sen cũng được trồng nhiều ở hầu hết các nước khu vực Đông Nam Á đến Nam Á. Ở Việt Nam, có người đạ đưa sen lên trồng thử ở vùng núi cao Sa Pa (trên 1500 m), nhưng cây sinh trưởng phát triển kém, thậm chí còn bị chết.

Sinh thái:

Sen có hệ thống thân rễ phát triển, phân nhánh ngang nằm sâu ở lớp bùn đến 0,5 m. Từ các đốt vào phần đầu của thân rễ, hàng năm mọc lên nhiều lá. Độ dài của cuống lá tuỳ thuộc vào mức nước nông hay sâu; để phiến lá vượt khỏi mặt nước, thực hiện chức năng hô hấp và quang hợp.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, hoa nở vào buổi sáng, thụ  phấn vào buổi trưa hoặc đầu buổi chiều. Gió và côn trùng là tác nhân truyền phấn quan trọn g của cây. Khả năng tái sinh tự nhiên của sen chủ yếu từ hạt. Tuy nhiên, các đoạn thân rễ cũng được sử dụng để nhân giống. Đời sống của sen phụ thuộc tuyệt đối vào sự sinh trưởng phát triển của lá. Nếu trong vòng 2 – 3 năm liền cắt bỏ toàn bộ các lá trên mặt nước, phần thân rễ của sen ở dưới bùn sẽ bị chết. Sen là cây bán tàn lụi (chỉ phần lá) vào mùa đông. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè thu.

Việt Nam là nước có sản lượng sen lớn, hàng năm cung cấp từ vài trăm tấn đến 1000 tấn hạt sen cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cách trồng:

Sen chủ yếu được trồng bằng thân rễ ở ao, hồ, đầm, ruộng trũng. Thời vụ trồng vào mùa xuân, khi thân rễ bắt đầu nảy mầm. Trước hết, tát cạn nước, vét lớp bùn mặt để riêng, rải một lớp lông gà, lông lợn, tóc rối, sau đó đặt thân rễ với khoảng cách 0,7 – 1 m, rồi dùng bùn mặt phủ dày độ 15 – 20 cm. Đợi lớp bùn mặt khô nẻ mới tháo nước vào. Có thể trồng từng đám trên vài mét vuông, về sau cây lan ra rất nhanh phủ kín mặt hồ. Những nơi không có điều kiện tát cạn nước, có thể trồng trên bè, thân rễ sẽ tự mọc lan xuống bùn ở đáy hồ và sinh trưởng phát triển.

Nhiều nắng, nước lưu thông, sâu trên dưới 1 m là những điều kiện lý tưởng để trồng sen. Cây ít bị sâu bệnh, hầu như không cần chăm bón. Nhưng phải giữ nước thật sạch. Không  được vứt súc vật chết, phóng uế, rửa đồ bẩn xuống đầm sen. Đặc biệt, không được ngâm ván thôi, sẽ làm chết sạch cả đầm sen.

Sen trồng về mùa xuân, sang hè đã có thể thu hoạch. Mùa đông cây ngừng sinh trưởng. Có thể thu hoạch sen trong nhiều năm.

Bộ phận dùng:

Hạt còn màng đỏ bên ngoài (Liên nhục)

Quả thu hái khi chín (Liên thạch)

Tâm sen là cây mầm trong hạt sen (Liên tâm)

Gương sen đã lấy quả (Liên phòng)

Tua sen bỏ hạt gạo ở đầu (Liên tu)

Lá sen thu hái vào mùa thu, bỏ cuống (Liên diệp)

Thân rễ thu hái quanh năm (Liên ngẫu)

Tất cả đều phơi hay sấy khô.

Tính vị, công năng:

Hạt sen có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm, tỳ, thận, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh.

Lá sen có vị đắng, tính mát, vào 3 kinh can, tỳ, vị, có tác dụng thanh thử, lợi thấp, tán ứ, chỉ huyết. Hoa sen có vị ngọt đắng, tính ấm, có tác dụng an thần và cầm máu.

Tâm sen có vị đắng, tính lạnh, vào kinh tâm, có tác dụng thanh tâm, điều nhiệt.

Tua sen có vị chát, tính ấm, vào 2 kinh tâm, thận, có tác dụng giữ tinh, ích thận, thanh tâm, chỉ huyết.

Gương sen và ngó sen có vị đắng chát, tính mát, có tác dụng thu liễm, cầm máu.

Tài liệu tham khảo:

Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Viện dược liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét