Cối xay


Tên Việt Nam: Cối xay, giằng xay, quýnh ma, kim hoa thảo, ma bản thảo, co to ép (Thái), phao tôn (Tày)

Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) Sweet

Tên nước ngoài: Country – mallow, flowering maple, indian abutilon, indian mallow (Anh); jute (Pháp)

Họ: Bông (Malvaceae)

Công dụng:

Lá giã nát đắp ngoài chữa mụn nhọt.

Thân, cành, lá phơi khô, sắc uống (4 – 6g) giúp thông tiểu tiện, cho mát, chữa sốt, tiểu tiện đỏ.

Vỏ cây có thể dùng để bện thừng, làm giấy.


Thông tin chuyên sâu (Dành cho các bạn muốn tìm hiểu kỹ)


Mô tả:

Cây nhỏ mọc thành bụi, sống lâu năm, cao 1 – 1,5 m. Cành hình trụ, phủ lông nhỏ mềm, hình sao. 


Lá mọc so le, có cuống dài, hình tim, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông mềm, mặt dưới màu trắng xám, gân chính 5 – 7; lá kèm hình chỉ.


Hoa màu vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá; cuống dài có đốt gấp khúc; đài có lông ngắn ở mặt ngoài, lông dài ở mặt trong, hình tam giác, màu tro; cánh hoa hình tam giác ngược hay hình nêm; nhị nhiều, tụ tập trên một trụ có lông xồm xoàm ở gốc; bầu có lông, gồm khoảng 20 lá noãn.

Quả do nhiều nang họp lại, xếp xít nhau nom giống cái cối xay, nang có lông ở phần lưng và có mỏ nhọn.

Mùa hoa: tháng 2 – 3, mùa quả: tháng 4 – 6.

Phân bố:

Cối xay mọc hoang dại rải rác ở hầu hết các tỉnh, từ vùng đồng bằng ven biển đến trung du và cả vùng núi thấp (dưới 600 m).

Sinh thái:

Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng ở thời kỳ cây còn nhỏ, thường moc lẫn với các loại cây bụi thấp ở bờ rào, ven đồi hoặc bờ nương rẫy.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; rụng lá vào mùa đông hoặc mùa khô. Mỗi quả có nhiều hạt; khi chín tự mở cho hạt thoát ra ngoài.

Sau khi chặt, phần còn lại của cây có khả năng tiếp tục tái sinh.

Cách trồng:

Cối xay có thể trồng ở nhiều nơi, tốt nhất là trên đất nhiều mùn, không bị úng ngập. Cây được nhân giống bằng hạt.

Bộ phận dùng:

Phần trên mặt đất của cây cối xay đã phơi hoặc sấy khô.

Tính vị, công năng:

Cối xay có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, tiêu thũng, hoạt huyết.

Tài liệu tham khảo:

Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Viện dược liệu

Từ điển thực vật thông dụng – Võ Văn Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét