Diếp cá


Tên Việt Nam: Diếp cá, lá giấp, rau giấp cá, tập thái, co vầy mèo (Thái), rau vẹn, phjắc hoảy (Tày), cù mua mía (Dao)

Tên khoa học: Houttuynia cordata Thunb.

Tên nước ngoài: Tsi (Anh), houttuynia (Pháp).

Họ: Giấp cá (Saururaceae).

Công dụng:

Diếp cá là loại rau rất quen thuộc trong các bữa ăn hằng ngày của các gia đình Việt Nam, nhất là ở miền Trung và miền Nam. Thường dùng làm rau ăn sống, làm gia vị cùng các loài rau khác.

Diếp cá được dùng trị táo bón, trĩ, mụn nhọt, lở ngứa, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do nhiễm trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, kiết lỵ, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều.

Ngày dùng, 6 – 12g toàn cây khô (trừ rễ), hoặc 20 – 40g cây tươi, dạng thuốc sắc hoặc giã nát lọc lấy nước uống.

Dùng ngoài, lá diếp cá tươi rửa sạch giã nhỏ đắp trực tiếp đối với trường hợp trĩ, chỗ sưng đau, lở ngứa, hoặc ép thuốc giữa hai miếng giấy lọc sạch, đắp lên mắt. Trong bệnh trĩ, đồng thời với cách dùng uống và đắp, còn sắc nước lấy hơi xông, rồi rửa.

Kinh nghiệm bản thân:

Ngoài các công dụng nêu trên diếp cá còn tốt cho những người bị suy tĩnh mạch. Mỗi ngày uống 1 ly sinh tố rau diếp cá hay ăn sống giúp chữa lành bệnh trĩ và suy tĩnh mạch. Đã thấy nhiều người áp dụng thành công.


Thông tin chuyên sâu (dành cho các bạn muốn tìm hiểu thêm)


Mô tả:

Cây thảo, sống lâu năm, cao 20 – 40 cm. Thân ngầm mọc bò hoang trong đất, màu trắng, hơi có lông, bén rễ ở các mấu. Thân đứng nhẵn, màu lục hoặc tím đỏ.

Lá mọc so le, hình tim, đầu nhọn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu tím, hơi có lông dọc theo gân lá của cả hai mặt, gân chính 7; cuống lá dài, có bẹ, lá kèm có lông ở mép.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông dài 2 – 2,5 cm, mang nhiều hoa nhỏ màu vàng nhạt; tổng bao gồm 4 lá bắc màu trắng nom  như một chiếc hoa riêng lẻ; hoa không có bao hoa; nhị 3.

Quả nang mở ở đỉnh; hạt hình trái xoan nhẵn.

Toàn thân vò ra có mùi tanh như mùi cá.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 7.

Phân bố:

Cây mọc hoang dại ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Cây còn được trồng ở nhiều nơi để làm rau và làm thuốc.

Sinh thái:

Diếp cá thuộc loại cây ưa ẩm và hơi chịu bóng, thường mọc ở đất ẩm, nhiều mùn dọc theo các bờ khe suối, mương nước trong thung lũng và ở vùng đồng bằng. Cây sinh trưởng gần như quanh năm, mạnh nhất trong mùa xuân hè, có hoa quả hàng năm trên những cây không bị ngắt ngọn và hái lá thường xuyên, có khả năng tái sinh chồi mạnh từ thân rễ.

Cách trồng:

Diếp cá được trồng để làm rau ăn và làm thuốc. Cây được nhân giống bằng cách tách mầm. Vào mùa xuân, từ tháng 2 đến tháng 4, tách lấy những mầm khoẻ, ở phần sát gốc, không để đứt hết rễ.

Đất trồng tốt nhất là bờ ao hoặc nơi đủ ẩm, không quá nắng. Sau khi trồng, cần đảm bảo độ ẩm cao và sạch cỏ. Cây có thể phát triển thành bãi. Mùa cho nhiều lá từ tháng 4 đến tháng 9. Cây tiếp tục phát triển và cho thu hái trong nhiều năm.

Bộ phận dùng:

Toàn cây, trừ rễ, hái về dùng tươi hoặc phơi sấy khô.

Tài liệu tham khảo:

Cây cỏ và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Viện dược liệu

Từ điển thực vật thông dụng - Võ Văn Chi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét