Lá lốt


Tên Việt Nam: Lá lốt, tất bát, phjăc pat, (Tày), ana khia táo, lau chuẩy (Dao)

Tên khoa học: Piper lolot C.DC.

Tên nước ngoài: Lolot – pepper (Anh); lolot, poivrelolot (Pháp)

Họ: Hồ tiêu (Piperaceae) 

Công dụng:

Cây trồng lấy lá làm rau gia vị rất thông dụng.

Lá lốt được dùng điều trị phong thấp, thấp khớp mạn, đau lưng, đau khớp, đau nhức xương, tay chân lạnh tê bại, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa, đầy hơi, trướng bụng, đau bụng, tiêu chảy, thận và bàng quang lạnh, đau đầu, đau nhức răng, viêm cấp tính vùng răng miệng, chảy nước mũi hôi, ra mồ hôi tay chân, phù thủng.

Ngày dùng 8 – 12g lá phơi khô hay 15 – 30g lá tươi sắc với nước, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.

Để chữa ra mồ hôi tay chân, ngâm chân hay tay đổ mồ hôi vào nước sắc lá lốt, ngâm đến khi nguội.

Dùng ngoài, lá lốt sắc đặc ngậm (hay nhai lá rồi ngậm) chữa đau răng.

Kiêng kỵ: người bị dạ dày nhiệt, táo bón không nên dùng.


Thông tin chi tiết (dành cho các bạn muốn tìm hiểu thêm)


Mô tả:

Cây thân cỏ, sống dai, cao 30 – 40 cm. Thân phồng lên ở các mấu, có vạch dọc, đôi khi có màu nâu, hơi phủ lông. Lá đơn, nguyên, mọc so le, dài khoảng 13 cm, rộng 8 – 10 cm, gốc hình tim, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có ít lông ở các đường gân, gân lá chằng chịt hình mạng lưới; cuống lá dài 2,5 cm.



Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông đơn tính, dài khoảng 1,5 cm. Trục bộng cái có lông; lá bắc có phiến tròn, không cuống, bầu nhẵn, hình trứng, nằm sâu trong trục bông, đầu nhuỵ hình sợi.

Quả mọng chứa một hạt.

Mùa hoa quả: tháng 8 – 10.

Phân bố, sinh thái:

Lá lốt được coi là loài đặc hữu phổ biến của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ở Việt Nam, lá lốt mọc tự nhiên khắp mọi nơi, từ vùng đồng bằng đến trung du, đặc biệt là các tỉnh vùng núi thấp (1000 m).

Lá lốt là cây ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc thành những đám lớn ở ven rừng, dọc theo các bờ khe suối ở cửa rừng, chân núi đá vôi, các bờ ao ở quanh làng.

Cây ra hoa quả hàng năm. Hình thức tái sinh tự nhiên chủ yếu là mọc chồi từ thân rễ.

Cách trồng:

Lá lốt được trồng bằng các đoạn thân dài 20 – 30 cm. Có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân.

Cây thích đất ẩm, có bóng mát, thường được trồng trên đất tận dụng dọc theo hàng rào, tường xây, góc vườn, bờ ao. Chỉ cần cuốc đất, nhặt cỏ, giâm, hom, lấp đất 1 – 2 mắt rồi tưới ẩm là được. Sau khi mọc, thành cây bò lan trên mặt đất, bò đến đâu các đốt mọc rễ đến đó, ăn sâu vào đất.

Cây ít bị sâu bệnh.

Bộ phận dùng:

Phần trên mặt đất được dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Tính vị, công năng:

Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, vào hai kinh: tỳ và phế, có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống, trừ phong thấp, kiện vị, tiêu thực, giảm đau, cầm nôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét